Quá trình xây dựng Viện Châm cứu Việt Nam

ảnh quá trình pt

Khi Hội Châm cứu Việt Nam đã nổi tiếng trong Hội đồng Châm cứu Tây Thái Bình Dương thì cần phải có một Viện nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ châm cứu cho cả nước. Chính phủ và Bộ Y tế đã cho quyết định thành lập Viện Châm cứu năm 1982 bên cạnh Hội Châm cứu Việt Nam được thành lập từ năm 1968 tại Hà Nội.

Được Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cho phép. Bộ trưởng Bộ Y tế Thiếu tướng Vũ Văn Cần đã ra quyết định thành lập Viện Châm cứu ngày 24/04/1982. Bác Phạm Văn Đồng nói: “Sau chiến tranh, cả nước còn rất khó khăn về kinh tế, Nhà nước chưa thể giúp gì về cơ sở vật chất”. Cơ sở ban đầu chỉ xin được một mảnh đất ở Vĩnh Hồ do đồng chí Trần Vĩ – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội cho nhà cửa dụng cụ y tế và ngay cả cán bộ nhân viên cũng chỉ là con số “0”. Bác Đồng nói: “Chú Thái phải chịu khó đi hô hào, nhờ các nước giúp đỡ”. Cũng vì thế Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và Bộ trưởng Vũ Văn Cần đã đề nghị Bộ Ngoại giao giúp đỡ tạo điều kiện ra nước ngoài thuận tiện cho việc giảng dạy châm cứu và quan hệ đối ngoại “Ngoại giao nhân dân”, tạo thế, dùng uy tín ‘kêu gọi quyên góp xây dựng Viện Châm cứu”. Từ đó (1982) ngoài đi công tác xây dựng Viện, đào tạo cán bộ trong nước, bản thân đã đi khắp các nước, đầu tiên là Pháp rồi đến các nước Á, Âu, Phi (Thụy Sĩ, Bỉ, Đông Đức, Tây Đức, Liên Xô cũ, Tiệp Khắc, Ba Lan, Lào, Thái,…) giảng dạy Châm cứu ở các nước bằng ngôn ngữ quốc tế chung (Pháp, Anh, Trung).

            Chúng ta đã chữa bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân các nước với hiệu quả rất cao, đước các nước tín nhiệm nên tích cực ủng hộ xây dựng Viện Châm cứu Việt Nam. Những sự ủng hộ  của họ thời đó là những thùng gồm: giường bệnh, màn, đệm, chăn, có tổ chức thì cho ô tô tải hoặc xe máy (Liên Xô) về chuyển thành tiền để xây dựng. Đông Đức và Tây Đức cho 100 tấn sut-cot-tích (Soude Caustique) chuyển về nhà máy giấy Việt Nam làm giấy, bán lấy tiền xây viện. Lúc đó Viện là một cánh đồng cỏ lát, lầy lội, phải xin xe máy ở Pháp bán đi lấy tiền xây lát đường đi. Tây Đức tổ chức “bánh mỳ cho Việt Nam” gửi mỳ về (tính ra tiền) để xây nhà. Tổ chức thiên chúa giáo ở Thụy Sĩ cho tiền về đem trả tiền đất cho Ủy ban Hà Nội. Gian khổ và thiếu thốn, lúc đó còn phải chạy tiền nuôi cán bộ nhân viên ăn một bữa cơm trưa, mỗi lần ở nước ngoài về phải mua mấy tạ (vải lụa) để may quần áo cho nhân viên. Cũng nhờ đó, nhân viên nào cũng phấn khởi “vừa thi đua lao động xây dựng, vừa học tập châm cứu chữa bệnh”. Viện trưởng phải “đứng mũi chịu sào” lo xây dựng, lo tổ chức, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn châm cứu cho y bác sỹ và cả nhân viên.

            Lúc phải chịu phát động thi đua “50% lao động xây dựng, 50% vừa học tập vừa phục vụ bện nhân”. Phải tổ chức “Nắm cơm của Viện” gồm những tiền giảng dạy ở nước ngoài, gửi vào “két” của tài vụ để nuôi ăn và phụ cấp cho nhân viên và  các bệnh nhân nghèo, các trẻ em tàn tật ngay từ những năm 1984.

            Trong lúc này uy thế của Châm cứu Việt Nam ngày càng được thế giới kính nể, tin tưởng, nhân dân Việt Nam từ vùng sâu vùng xa trong cả nước đều tín nhiệm, quý mến.

            “Cánh đồng si thường xuyên lầy lội, ngập nước đã dần thay đổi da thịt” và được xây dựng tiếp tục thành một viên loại I, một viện có chuyên môn kỹ thuật cao, hiện đại hóa Châm cứu giàu tình thương, được dân gọi là “bệnh viện của người nghèo”, hòa nhập bình đẳng với các nước trên thế giới tuy họ trước kia tiến bộ sớm hơn nước ta nhiều.

            “Ôn nghèo kể khổ” chúng ta không bao giờ quên được tập thể tiên tiến của chúng ta và anh chị em thầy thuốc châm cứu ngày nay. Đã vượt bao thử thách gian nan vừa vay tiền Bộ Y tế (hơn 20 ngàn đô la Mỹ) để xây dựng viện, vừa tiếp tục xin hỗ trợ nước ngoài, thực tế đem sức lao động và tri thức đi đánh đổi lấy viện trợ! Năm chiếc nhà gỗ làm cơ sở của viện được chuyển từ Phần Lan về, ô tô chở từ Pháp về với sự chuyên chở hỗ trợ không lấy tiền công của Cảng Hải Phòng Việt Nam. Hàng trăm giường nằm cho bệnh nhân với chăn màn đầy đủ, máy nổ, ngay cả máy chiếu phim để phục vụ tinh thần cho bệnh nhân cũng được viện trợ và các máy để giảng bài (máy overhead, máy chụp tài liệu).

 

Tin Liên Quan